- Thông báo: Đấu giá tài sản.
- THÔNG BÁO: Về việc tựu trường năm học 2024 – 2025
- Đáp án Bài thi KHXH năm 2024 của Bộ GD&ĐT
- Thông báo: Danh sách Học sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Hùng Vương năm học 2024-2025 hệ GDPT + hệ GDTX được Sở GD&ĐT Long An phê duyệt
- Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và Triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 ;
Mẫu chuyện và lời dạy của Bác
12/04/2017
826
BÁC HỒ VỚI NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM
Bác Hồ là hiện thân cao đẹp của ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc; vì hạnh phúc của nhân dân. Với tầm nhìn sâu rộng và toàn diện, từ rất sớm Người đã quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp phát triển văn hoá giáo dục, y tế, thể dục thể thao và khẳng định đó là những thể hiện sinh động cho bộ mặt của đất nước, trình độ văn minh của một quốc gia và tính ưu Việt của một chế độ xã hội.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng dân tộc ta, Đảng ta đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách: Giặc ngoài thù trong cùng với giặc đói, giặc dốt, giặc lụt đe dọa chính quyền cách mạng non trẻ. Giữa lúc công việc bộn bề, nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng chỉ gần 5 tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Người ký Sắc lệnh số 14 về việc lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Sắc lệnh qui định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Bộ Thanh niên sẽ ấn định những việc về tổ chức và ngân sách của Nha Thể dục Trung ương[1]. Sau đó ít ngày, Trường Thể dục đã ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội) - nơi trước đó là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Đây là sự kiện, là dấu mốc khai sinh Ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương[2]. Cũng trong ngày ký Sắc lệnh 38, Người viết bài Sức khoẻ và thể dục đăng trên báo Cứu quốc - Đây là lời kêu gọi đầu tiên toàn dân tập thể dục của Người dưới chế độ mới. Tối ngày 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội. Tại đây, Lễ hội thanh niên vận động đã được phát động và Ban Tổ chức đã mời Người châm ngọn lửa phát động phong trào Khỏe vì nước. Từ Hà Nội, phong trào này đã lan tỏa ra cả nước. Nhớ lại những sự kiện trên đây, chúng ta có thể khẳng định, Bác Hồ, không chỉ là người khai sinh ra ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam, mà còn là người khởi xướng phong trào thể dục quần chúng với khẩu hiệu cách mạng Khỏe vì nước.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lo chỉ đạo những công việc hệ trọng của Đảng và đất nước, nhưng Người vẫn dành cho Ngành Thể dục Thể thao sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sâu sát và cụ thể. Người không phải là một nhà chuyên môn về thể dục thể thao, một chuyên gia hay huấn luyện viên một môn thể thao cụ thể, vì vậy, những quan điểm chỉ đạo của Người là ở tầm vĩ mô, vừa có tính chính trị nhân văn sâu sắc, vừa có tính định hướng cụ thể, đồng thời bản thân Người là tấm gương sáng về tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Đó là những cảm nhận của chúng tôi và chắc là nhiều người trong chúng ta cũng có những suy nghĩ và cảm nhận như thế. Xin phép được trình bày đôi điều cảm nhận ấy:
“Dân cường thì quốc thịnh” phải có sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.
Ông cha ta thường nói “Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên” - nghĩa là trong cuộc sống, con người không bệnh tật là sướng như tiên. Đó là nói về sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người; không bệnh tật thì trường sinh bất lão. Muốn vậy mỗi người phải rèn luyện sức khỏe. Có lẽ vì thế mà khi viết bài Nhân thân phú, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khuyên:
“Thất thương giới, nhi vinh vệ hòa sướng
Ngũ tổn phòng, nhi chi thể an thư.
Bảo toàn thiên hòa hề, hà bệnh chi hữu.
Tiêu dao thọ cảnh hề, kỳ lạc chi thư…”
Hiểu một cách đại thể, danh y dạy rằng: Muốn ít bệnh tật phải siêng năng rèn luyện mới thích nghi, mới chống chọi được những biến đổi của khí hậu tự nhiên với những thương tổn lớn trong người. Thế mới được “Tiêu dao cảnh thọ” - vui biết nhường nào. Chắc cũng vì thế mà Bác Hồ tự ngẫm:
“… Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém chi tiên”
Đó là nói về sức khỏe, thể dục thể thao với rèn luyện sức khỏe của mỗi người ở Hồ Chí Minh, vấn đề thể dục thể thao và rèn luyện sức khỏe thể hiện tính nhân văn, nhưng cao hơn, ở tầm vĩ mô: Khỏe vì nước, khỏe để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Rèn luyện sức khỏe là yêu nước, là trách nhiệm của người yêu nước. Đó là quan điểm chính trị, cách mạng. Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người đã thể hiện rõ quan điểm này. Người viết: “Giữ gìn dân chủ mới; xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.
Vậy rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của một người yêu nước… Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục”[3].
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của thể dục thể thao như Người đã khẳng định nên Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác tổ chức, xây dựng cơ quan quản lý, điều hành công tác thể dục thể thao và coi đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, của các ngành có liên quan và của toàn dân. Ngay trong những ngày khói lửa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn có sự quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực quan trọng này. Tại Thủ đô kháng chiến Việt Bắc, Ngành Thể dục Thể thao các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì. Hồ Chí Minh vẫn luyện tập thường xuyên đồng thời rất quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ. Người từng là “huấn luyện viên” hướng dẫn một số thành viên Chính phủ, cán bộ cơ quan Chính phủ, đoàn thể tập nhu quyền, thể dục dưỡng sinh, làm mẫu cho cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị quân đội tập thể dục hoặc võ thuật. Những lúc có điều kiện cho phép, Hồ Chí Minh rất khuyến khích cán bộ các cơ quan Chính phủ, đoàn thể, các đơn vị bộ đội tổ chức tập luyện và giao lưu biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền.
Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, muốn làm chủ nhân tương lai của đất nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”[4]. Từ năm 1958, Người đã chỉ đạo Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương phát động phong trào Thể dục, vệ sinh trong học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Để rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng tham gia cách mạng, Người đã chỉ đạo việc tổ chức phong trào tập luyện 5 môn thể thao vũ trang kết hợp chạy, nhảy, bơi, bắn, võ với khẩu hiệu Khỏe để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phong trào thi đua rèn luyện trong các lực lượng vũ trang Vai trăm cân, chân ngàn dặm sẵn sàng vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu đã có sự quan tâm sâu sắc của Người, Đảng và Nhà nước và lãnh đạo lực lượng vũ trang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khắp các địa phương trên miền Bắc các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì thường xuyên. Khẩu hiệu Khỏe để lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành nếp sống, đi vào cuộc sống sinh hoạt của đông đảo các tầng lớp nhân dân ngay cả trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai.
Thể dục thể thao cách mạng muốn phát triển lành mạnh, đúng hướng đòi hỏi phải có cơ quan quản lý tổ chức chuyên môn, có hệ thống các trường đào tạo, có đội ngũ cán bộ giáo viên, huấn luyện viên giỏi. Đây là điều mà lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm. Những Sắc lệnh Người ký từ những ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã đặt những nền móng đầu tiên cho công việc quan trọng này.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1957 Nha Thể dục Thể thao Trung ương đổi tên là Ban Thể dục Thể thao Trung ương và sau đó, năm 1960 đổi tên là Ủy ban Thể dục Thể thao là cơ quan quản lý ngành thuộc Chính phủ.
Về hệ thống các trường thuộc ngành, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh hiện nay rất tự hào về truyền thống hơn 50 lịch sử. Đây là một trung tâm đầu tiên đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của thể dục thể thao cách mạng Việt Nam [5]. Nói xa hơn, có thể truyền thống của trường còn từ ngày trường Thể dục Thể thao ra đời (1-1946) với cơ sở là Khu học tập của sĩ quan Pháp ở đường Cột Cờ Hà Nội; mà 15 giờ ngày 10-11-1946, buổi lễ Thanh niên quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, do Trường tổ chức, Bác đến thăm và căn dặn, trong thanh niên còn nhiều người rất yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường Thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục. Bác còn nói rõ: “Các học sinh đã tập luyện công phu và sức đã khỏe. Hiện tại ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng tập luyện. Có như vậy công phu tập luyện của các em mới hữu ích”[6].
Trong truyền thống lịch sử, Trường có một sự kiện lịch sử là ngày 14 tháng 12 năm 1961 được đón Bác Hồ tới thăm. Khi đó, Trường còn có tên gọi là Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương. Sự kiện này không chỉ lả lịch sử truyền thống của Trường, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bác, của Đảng và Nhà nước đối với Ngành Thể dục Thể thao cách mạng Việt Nam. Bác đã nói chuyện với thầy và trò nhà trường; thăm và nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô đang công tác tại đây. Đến thăm các học viên lớp kiếm, Người đã chỉnh sửa các em các động tác cầm kiếm vả thế kiếm. Đó là một kỷ niệm và truyền thống vinh dự của trường.
Bác Hồ tấm gương tự rèn luyện sức khỏe và thể dục thể thao
Với lời kêu gọi: “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập” và điều này đã thành nếp sinh hoạt của Người.
Chúng ta được biết, sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở về hoạt động trong nước và ở tại hang Pắc Pó (Cao Bằng). Công việc được Người chú trọng là chuẩn bị những điều kiện để rèn luyện sức khỏe, cho dù là giản đơn, đó là đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Tháng 9 năm 1943, vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa Người đã tập leo núi để rèn luyện khiến Trương Phát Khuê - viên tướng Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch phải trầm trồ “Kính phục! kính phục!”. Ở tuổi 60, Người vẫn có thể đi bộ 50, 60km một ngày. Năm 1958, trong dịp sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, Người vẫn leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cutapmina cao 73 mét và vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ và ngắm nhìn Thủ đô Niu Đêli. Những bức ảnh ghi lại các hoạt động tập luyện nhu quyền, dưỡng sinh, đánh bóng chuyền, bơi lội khiến chúng ta càng cảm động và khâm phục sự rèn luyện của Người.
Trong những ngày đồng bào và chiến sĩ miền Nam tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), Người đề nghị Bộ Chính trị bố trí Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Và Người đã tập luyện để chuẩn bị thực hiện. Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác cho biết: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg…”. Biết được điều này, đồng chí Việt Phương - người có nhiều năm gần gũi Bác đã viết những vẫn thơ xúc động:
“… Ngoài bảy nhăm, Bác vẫn thường ném bóng
Cái gạt tàn thuốc lá đã từ lâu thôi không nóng trên bàn
Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng
Con biết lòng Người quyết đến với miền Nam…”
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người cần phải học tập và làm theo những chuẩn mực và tấm gương đạo đức của Người. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, quan điểm “Dân cường thì quốc thịnh” của Người càng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Tấm gương rèn luyện thân thể của Người là một thực tiễn sinh động, một bài học quí báu để mỗi người trong chúng ta có thể góp phần mình vào công cuộc xây dựng một dân tộc, một đất nước giàu về vật chất, văn minh về văn hóa, mạnh mẽ về tinh thần. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu của công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
[1] Xem Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.143
[2] Xem Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.190-191
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, t.4, tr.212
[4] Hồ Chí Minh, Toản tập, Sđđ, t.8, tr.264
[5] Lịch sử hơn 50 năm Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh ngày nay có một số dấu mốc quan trọng:
- Ngày 25 - 9 - 1959, Chính phủ quyết định thành lập Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương.
- Ngày 31 - 1 - 1964, Trường đổi tên là Trường cán bộ Thể dục Thể thao Trung ương.
- Năm 1977, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn trên cơ sở (nâng cấp) trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương. Sau đó gọi là Trường Đại học TDTT I
- Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 149/QĐ - TTg đổi tên là Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh
[6] Xem báo Cứu quốc, Số 402, ngày 11 - 11 - 1946.
TS. Trần Văn Hải/Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng dân tộc ta, Đảng ta đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách: Giặc ngoài thù trong cùng với giặc đói, giặc dốt, giặc lụt đe dọa chính quyền cách mạng non trẻ. Giữa lúc công việc bộn bề, nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng chỉ gần 5 tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Người ký Sắc lệnh số 14 về việc lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Sắc lệnh qui định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Bộ Thanh niên sẽ ấn định những việc về tổ chức và ngân sách của Nha Thể dục Trung ương[1]. Sau đó ít ngày, Trường Thể dục đã ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội) - nơi trước đó là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Đây là sự kiện, là dấu mốc khai sinh Ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương[2]. Cũng trong ngày ký Sắc lệnh 38, Người viết bài Sức khoẻ và thể dục đăng trên báo Cứu quốc - Đây là lời kêu gọi đầu tiên toàn dân tập thể dục của Người dưới chế độ mới. Tối ngày 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội. Tại đây, Lễ hội thanh niên vận động đã được phát động và Ban Tổ chức đã mời Người châm ngọn lửa phát động phong trào Khỏe vì nước. Từ Hà Nội, phong trào này đã lan tỏa ra cả nước. Nhớ lại những sự kiện trên đây, chúng ta có thể khẳng định, Bác Hồ, không chỉ là người khai sinh ra ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam, mà còn là người khởi xướng phong trào thể dục quần chúng với khẩu hiệu cách mạng Khỏe vì nước.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lo chỉ đạo những công việc hệ trọng của Đảng và đất nước, nhưng Người vẫn dành cho Ngành Thể dục Thể thao sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sâu sát và cụ thể. Người không phải là một nhà chuyên môn về thể dục thể thao, một chuyên gia hay huấn luyện viên một môn thể thao cụ thể, vì vậy, những quan điểm chỉ đạo của Người là ở tầm vĩ mô, vừa có tính chính trị nhân văn sâu sắc, vừa có tính định hướng cụ thể, đồng thời bản thân Người là tấm gương sáng về tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Đó là những cảm nhận của chúng tôi và chắc là nhiều người trong chúng ta cũng có những suy nghĩ và cảm nhận như thế. Xin phép được trình bày đôi điều cảm nhận ấy:
“Dân cường thì quốc thịnh” phải có sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.
Ông cha ta thường nói “Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên” - nghĩa là trong cuộc sống, con người không bệnh tật là sướng như tiên. Đó là nói về sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người; không bệnh tật thì trường sinh bất lão. Muốn vậy mỗi người phải rèn luyện sức khỏe. Có lẽ vì thế mà khi viết bài Nhân thân phú, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã khuyên:
“Thất thương giới, nhi vinh vệ hòa sướng
Ngũ tổn phòng, nhi chi thể an thư.
Bảo toàn thiên hòa hề, hà bệnh chi hữu.
Tiêu dao thọ cảnh hề, kỳ lạc chi thư…”
Hiểu một cách đại thể, danh y dạy rằng: Muốn ít bệnh tật phải siêng năng rèn luyện mới thích nghi, mới chống chọi được những biến đổi của khí hậu tự nhiên với những thương tổn lớn trong người. Thế mới được “Tiêu dao cảnh thọ” - vui biết nhường nào. Chắc cũng vì thế mà Bác Hồ tự ngẫm:
“… Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém chi tiên”
Đó là nói về sức khỏe, thể dục thể thao với rèn luyện sức khỏe của mỗi người ở Hồ Chí Minh, vấn đề thể dục thể thao và rèn luyện sức khỏe thể hiện tính nhân văn, nhưng cao hơn, ở tầm vĩ mô: Khỏe vì nước, khỏe để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Rèn luyện sức khỏe là yêu nước, là trách nhiệm của người yêu nước. Đó là quan điểm chính trị, cách mạng. Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người đã thể hiện rõ quan điểm này. Người viết: “Giữ gìn dân chủ mới; xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.
Vậy rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của một người yêu nước… Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục”[3].
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của thể dục thể thao như Người đã khẳng định nên Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác tổ chức, xây dựng cơ quan quản lý, điều hành công tác thể dục thể thao và coi đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, của các ngành có liên quan và của toàn dân. Ngay trong những ngày khói lửa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn có sự quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực quan trọng này. Tại Thủ đô kháng chiến Việt Bắc, Ngành Thể dục Thể thao các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì. Hồ Chí Minh vẫn luyện tập thường xuyên đồng thời rất quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ. Người từng là “huấn luyện viên” hướng dẫn một số thành viên Chính phủ, cán bộ cơ quan Chính phủ, đoàn thể tập nhu quyền, thể dục dưỡng sinh, làm mẫu cho cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị quân đội tập thể dục hoặc võ thuật. Những lúc có điều kiện cho phép, Hồ Chí Minh rất khuyến khích cán bộ các cơ quan Chính phủ, đoàn thể, các đơn vị bộ đội tổ chức tập luyện và giao lưu biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền.
Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, muốn làm chủ nhân tương lai của đất nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”[4]. Từ năm 1958, Người đã chỉ đạo Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương phát động phong trào Thể dục, vệ sinh trong học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Để rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng tham gia cách mạng, Người đã chỉ đạo việc tổ chức phong trào tập luyện 5 môn thể thao vũ trang kết hợp chạy, nhảy, bơi, bắn, võ với khẩu hiệu Khỏe để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phong trào thi đua rèn luyện trong các lực lượng vũ trang Vai trăm cân, chân ngàn dặm sẵn sàng vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu đã có sự quan tâm sâu sắc của Người, Đảng và Nhà nước và lãnh đạo lực lượng vũ trang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khắp các địa phương trên miền Bắc các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì thường xuyên. Khẩu hiệu Khỏe để lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành nếp sống, đi vào cuộc sống sinh hoạt của đông đảo các tầng lớp nhân dân ngay cả trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai.
Thể dục thể thao cách mạng muốn phát triển lành mạnh, đúng hướng đòi hỏi phải có cơ quan quản lý tổ chức chuyên môn, có hệ thống các trường đào tạo, có đội ngũ cán bộ giáo viên, huấn luyện viên giỏi. Đây là điều mà lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm. Những Sắc lệnh Người ký từ những ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã đặt những nền móng đầu tiên cho công việc quan trọng này.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1957 Nha Thể dục Thể thao Trung ương đổi tên là Ban Thể dục Thể thao Trung ương và sau đó, năm 1960 đổi tên là Ủy ban Thể dục Thể thao là cơ quan quản lý ngành thuộc Chính phủ.
Về hệ thống các trường thuộc ngành, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh hiện nay rất tự hào về truyền thống hơn 50 lịch sử. Đây là một trung tâm đầu tiên đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của thể dục thể thao cách mạng Việt Nam [5]. Nói xa hơn, có thể truyền thống của trường còn từ ngày trường Thể dục Thể thao ra đời (1-1946) với cơ sở là Khu học tập của sĩ quan Pháp ở đường Cột Cờ Hà Nội; mà 15 giờ ngày 10-11-1946, buổi lễ Thanh niên quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, do Trường tổ chức, Bác đến thăm và căn dặn, trong thanh niên còn nhiều người rất yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường Thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục. Bác còn nói rõ: “Các học sinh đã tập luyện công phu và sức đã khỏe. Hiện tại ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng tập luyện. Có như vậy công phu tập luyện của các em mới hữu ích”[6].
Trong truyền thống lịch sử, Trường có một sự kiện lịch sử là ngày 14 tháng 12 năm 1961 được đón Bác Hồ tới thăm. Khi đó, Trường còn có tên gọi là Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương. Sự kiện này không chỉ lả lịch sử truyền thống của Trường, mà còn thể hiện sự quan tâm của Bác, của Đảng và Nhà nước đối với Ngành Thể dục Thể thao cách mạng Việt Nam. Bác đã nói chuyện với thầy và trò nhà trường; thăm và nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô đang công tác tại đây. Đến thăm các học viên lớp kiếm, Người đã chỉnh sửa các em các động tác cầm kiếm vả thế kiếm. Đó là một kỷ niệm và truyền thống vinh dự của trường.
Bác Hồ tấm gương tự rèn luyện sức khỏe và thể dục thể thao
Với lời kêu gọi: “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập” và điều này đã thành nếp sinh hoạt của Người.
Chúng ta được biết, sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở về hoạt động trong nước và ở tại hang Pắc Pó (Cao Bằng). Công việc được Người chú trọng là chuẩn bị những điều kiện để rèn luyện sức khỏe, cho dù là giản đơn, đó là đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Tháng 9 năm 1943, vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa Người đã tập leo núi để rèn luyện khiến Trương Phát Khuê - viên tướng Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch phải trầm trồ “Kính phục! kính phục!”. Ở tuổi 60, Người vẫn có thể đi bộ 50, 60km một ngày. Năm 1958, trong dịp sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, Người vẫn leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cutapmina cao 73 mét và vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ và ngắm nhìn Thủ đô Niu Đêli. Những bức ảnh ghi lại các hoạt động tập luyện nhu quyền, dưỡng sinh, đánh bóng chuyền, bơi lội khiến chúng ta càng cảm động và khâm phục sự rèn luyện của Người.
Trong những ngày đồng bào và chiến sĩ miền Nam tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), Người đề nghị Bộ Chính trị bố trí Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Và Người đã tập luyện để chuẩn bị thực hiện. Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác cho biết: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg…”. Biết được điều này, đồng chí Việt Phương - người có nhiều năm gần gũi Bác đã viết những vẫn thơ xúc động:
“… Ngoài bảy nhăm, Bác vẫn thường ném bóng
Cái gạt tàn thuốc lá đã từ lâu thôi không nóng trên bàn
Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng
Con biết lòng Người quyết đến với miền Nam…”
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người cần phải học tập và làm theo những chuẩn mực và tấm gương đạo đức của Người. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, quan điểm “Dân cường thì quốc thịnh” của Người càng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Tấm gương rèn luyện thân thể của Người là một thực tiễn sinh động, một bài học quí báu để mỗi người trong chúng ta có thể góp phần mình vào công cuộc xây dựng một dân tộc, một đất nước giàu về vật chất, văn minh về văn hóa, mạnh mẽ về tinh thần. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu của công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
[1] Xem Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.143
[2] Xem Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.190-191
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, t.4, tr.212
[4] Hồ Chí Minh, Toản tập, Sđđ, t.8, tr.264
[5] Lịch sử hơn 50 năm Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh ngày nay có một số dấu mốc quan trọng:
- Ngày 25 - 9 - 1959, Chính phủ quyết định thành lập Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương.
- Ngày 31 - 1 - 1964, Trường đổi tên là Trường cán bộ Thể dục Thể thao Trung ương.
- Năm 1977, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn trên cơ sở (nâng cấp) trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương. Sau đó gọi là Trường Đại học TDTT I
- Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 149/QĐ - TTg đổi tên là Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh
[6] Xem báo Cứu quốc, Số 402, ngày 11 - 11 - 1946.
TS. Trần Văn Hải/Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng